Thiếu kỹ lưỡng trong tính toán chi phí, chọn mặt bằng không phù hợp… khiến mô hình kinh doanh sân bóng đá của chị Thu Hoài ở TP HCM thua lỗ nặng.
Dưới đây là bài học kinh doanh mà chị Nguyễn Thu Hoài ở TP HCM chia sẻ với độc giả VnExpress.net.
Năm 25 tuổi, tôi bắt đầu cùng chồng tham gia vào lĩnh vực nhà hàng, quán ăn với số vốn 600 triệu đồng và phải mất hơn một năm công việc làm ăn mới đi vào ổn định. Sang năm thứ 2, nhà hàng của tôi bắt đầu ăn nên làm ra, mỗi năm đem về lợi nhuận hơn một tỷ đồng. Từ số tiền kiếm được, tôi mua nhà và dành dụm tiền để tìm hình thức đầu tư kinh doanh mới. Bởi lẽ, dù số tiền kiếm được từ kinh doanh nhà hàng khá tốt nhưng tôi không có thời gian để chăm sóc cho gia đình. Không những vậy, 2 vợ chồng luôn phải “chiều chuộng” đầu bếp và nhân viên mới mong kinh doanh ổn thỏa.
Trong 4 năm kinh doanh, cứ hễ rảnh thời gian nào là tôi cùng chồng đi tham khảo các mô hình kinh doanh khác cho lợi nhuận tốt mà vẫn có thể chăm sóc gia đình. Khảo sát các quận 4, 7, Bình Thạnh… tôi thấy khá nhiều sân bóng đá kinh doanh có lợi nhuận cao, trong khi đó, chi phí đầu tư, tuyển nhân viên không hề phức tạp như kinh doanh nhà hàng. Theo số liệu mà hai vợ chồng có được, bình quân mỗi sân cho thuê có giá dao động 280.000-300.000 đồng một tiếng. Một ngày số lượng khách thuê tối thiểu là 6 tiếng và tối đa là 8 tiếng. Như vậy, doanh thu trong ngày vào khoảng 2 triệu đồng. Với một nhà đầu tư có 3 sân thì mỗi ngày số tiền kiếm được có thể lên tới 7 triệu đồng. Như vậy, mức doanh thu của mô hình này khá hấp dẫn, chúng tôi nhẩm tính nếu tính toán chu đáo, một tháng 2 vợ chồng cũng có thể “đút túi” 50-80 triệu đồng.
Sau khi có được những con số hấp dẫn, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho mô hình mới như tìm mặt bằng, tìm đối tác cung cấp cỏ nhân tạo, nhân viên…, dự định năm sau sẽ tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, giữa năm 2010 kế hoạch của tôi phải xúc tiến nhanh hơn khi toàn bộ mặt bằng mở nhà hàng bị thu hồi trước hạn và được đền bù 1,5 tỷ đồng. Với số vốn hơn 4 tỷ đồng trong tay, tôi bắt đầu mạnh tay trong việc đầu tư mô hình mới.
Vị trí mặt bằng thuận lợi là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của mô hình kinh doanh sân bóng.
Tôi lựa chọn thuê khu đất rộng 6.000m2 ở huyện Nhà Bè với giá 22 triệu đồng một tháng, thời hạn 5 năm, đóng cọc trước 3 tháng. Đây là khu đất nằm trong khu công nghiệp nên toàn bộ diện tích ở đây phải cải tạo nên tốn nhiều chi phí. Để đảm bảo an ninh, tôi xây thêm rào chắn xung quanh, đồng thời, bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng đề đầu tư cỏ nhân tạo cho 3 sân bóng cùng những trang thiết bị khác. Khi mô hình đi vào hoạt động, tôi thuê khoảng 6 nhân viên, trong đó, bao gồm 2 bảo vệ và 4 nhân viên thay nhau làm việc theo ca từ 5h sáng đến 24h.
Vì khu đất nằm sát các khu công nghiệp nên để hút khách tôi lấy mức giá dao động 160.000-180.000 đồng một tiếng, chỉ bằng một nửa so với những sân bóng mà tôi từng khảo sát. Vì vậy, doanh thu mỗi tháng mà tôi kiếm được không những thấp mà 5 tháng đầu năm liên tục lỗ vì khách đặt sân không nhiều.
Để tăng thu nhập, tôi quyết đinh mở thêm dịch vụ như bán nước uống đóng chai và dành khoảng hơn 200m2 để làm phòng tập tạ cho nam giới với giá 80.000 đồng một người một tháng.Với số lượng khách 100 người, phòng tập của tôi thu được 8 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí thuê huấn luyện viên tôi chỉ thu được 3 triệu đồng.
Mặc dù gia tăng dịch vụ, ưu đãi nhiều cho khách nhưng lượng khách đặt dịch vụ không cao. Tổng doanh thu mỗi tháng sau đó mà tôi đạt chỉ vào khoảng 70 triệu đồng, trong khi đó chi phí phải trả lên tới 60 triệu đồng mỗi tháng. 2 vợ chồng thầm nghĩ, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn dù có lời mỗi tháng 10 triệu đồng thì chúng tôi vẫn không thể nào hòa vốn. Ngược lại, sẽ phải tăng thêm chi phí đầu tư vì cứ 5 năm là phải thay cỏ nhân tạo một lần.
Chấp nhận thua cuộc với mô hình kinh doanh trên, 2 vợ chồng tôi quyết định cắt lỗ bằng cách tìm người sang nhượng. Lúc đầu có một nhà đầu tư ngỏ ý muốn sang lại với giá trên 2 tỷ đồng và đặt cọc 50 triệu đồng để làm tin. Tuy nhiên, sau hơn một tháng thăm dò, vị này đã rút lui và sẵn sàng mất tiền đặt cọc vì cho rằng mô hình này khó phát triển. Hai tháng sau đó, tôi tìm được vị khách mới, tuy nhiên, họ chỉ chấp nhận sang nhượng toàn bộ với giá 1,2 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn một năm kinh doanh tôi phải chịu khoản lỗ tới gần 4 tỷ đồng.
Cũng từ đây, tôi rút ra bài học quý cho bản thân là không phải cứ thấy mô hình phát triển tốt là lập tức nhảy vào kinh doanh. Do vậy, đối với những người nào đam mê kinh doanh sân bóng đá, tôi khuyên nên tìm hiểu kỹ về vị trí mặt bằng. Bởi lẽ, đây là yếu tố then chốt quyết định 70% sự thành công cho loại hình kinh doanh này.
Thực tế, các sân cỏ khác hoạt động tốt là vì khu vực kinh doanh của họ được đặt ở vị trí có khách hàng đa dạng. Còn chỗ của tôi, xung quanh chỉ là các khu công nghiệp nên lượng khách chủ yếu là công nhân. Trong khi đó, đối tượng này không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Họ chỉ có thể thuê sân trong khoảng thời gian 15h-17h. Ngược lại, các khu vực khác như quận 4, 7… khách thuê tới 24h.
Về chi phí mặt bằng, đối với các khu vực khác làm hợp đồng với các chủ đất thông qua hình thức phân chia lợi nhuận thì tôi lại chọn cách thầu toàn bộ với suy nghĩ “một ăn cả ngả về không”. Ngoài ra, chúng tôi mất trắng một khoản tiền lớn để khai hoang và san lấp mặt bằng khi chọn mảng đất bỏ hoang. Vì vậy, chi phí mặt bằng đã gần như ăn mòn khoản lợi nhuận có được.
Yếu tố thứ 3 khiến hai vợ chồng thất bại là chưa biết tối đa hóa lợi nhuận từ các dịch vụ phụ trợ. Chúng tôi mới chỉ chăm chăm vào nguồn thu từ sân bóng mà không biết rằng các khoản lợi nhuận từ dịch vụ hỗ trợ như: cà phê, trà đá, cho thuê đồng phục thi đấu là khoản lợi nhuận hấp dẫn, làm tăng khả năng thu hồi vốn.
Điều đáng lưu tâm nữa là chúng tôi thiếu sáng suốt trong việc tìm đối tác thiết kế thi công sân cỏ khiến cho chi phí đầu tư đội lên quá cao.
Ngoài những yếu tố trên, để đầu tư sân cỏ mang lại lợi nhuận cao, nhà đầu tư còn cần phân chia chi phí thuê nhân viên, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống lưới chắn bóng, điện, nước sao cho thật hợp lý thì mô hình này mới có thể phát triển bền vững.