Nỗi niềm bóng đá Hà Tĩnh

20/04/2020

 Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tỉnh Hà Tĩnh đã có đội bóng tham gia sân chơi cao nhất của bóng đá nước nhà theo cách ít người ngờ nhất. Những khó khăn hiện hữu trước mùa giải mới đang đặt ra không ít vấn đề đòi CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và tỉnh […]

 Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tỉnh Hà Tĩnh đã có đội bóng tham gia sân chơi cao nhất của bóng đá nước nhà theo cách ít người ngờ nhất. Những khó khăn hiện hữu trước mùa giải mới đang đặt ra không ít vấn đề đòi CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh phải có cái nhìn và giải pháp thấu đáo để vượt khó đường dài.

Nguoi ham mo Ha Tinh luon gianh tinh yeu trong sang cho bong da tinh nha.

                            Người hâm mộ Hà Tĩnh luôn giành tình yêu trong sáng cho bóng đá tỉnh nhà.

Những cung bậc cảm xúc

So với người anh em Nghệ An, bóng đá Hà Tĩnh tỏ ra khiêm tốn cả truyền thống lẫn thành tích. Tuy nhiên, xét về mức độ đam mê trái bóng tròn, độ nhiệt huyết của người Hà Tĩnh chẳng kém gì người hàng xóm bên kia sông Lam. Có lẽ, do người Nghệ cùng chung dòng Lam, cùng tương đồng văn hóa nên họ cũng đam mê bóng đá cuồng nhiệt như nhau. Trong ký ức của nhiều người Hà Tĩnh, thời kỳ chưa tách tỉnh Nghệ Tĩnh, mỗi khi đội bóng con cưng của họ về “chảo lửa” thành Vinh thi đấu, dù xa xôi cách trở cả 100 km và đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân ở Kỳ Anh, Hương Khê… vẫn bao hẳn các chuyến xe khách để đi xem bóng đá. Họ dành cho bóng đá một niềm đam mê cháy bỏng, trong sáng.

Sau khi tách tỉnh, do địa phương chưa có đội bóng A1 (nay gọi V.League) nên chỉ được tổ chức các giải giao hữu, U18, U21, đội hạng B… nhưng sân vận động Hà Tĩnh luôn chật cứng khán giả. Thậm chí, không ít trận, Ban tổ chức phải linh động dùng đường pít để người dân ngồi xem bóng một cách trật tự.

Trước đây, khi chưa có sân cỏ nhân tạo, thanh thiếu niên ở các vùng quê Hà Tĩnh đã biến các sân đất, sân xi-măng của thôn, xã, có khi là cả cánh đồng vừa gặt, bãi biển hầm hập gió Lào trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của những con người có chung niềm đam mê trái bóng. Không phân biệt già trẻ, gái trai, họ vào sân một cách hào hứng với kỹ năng xử lý bóng trời phú đã đem lại cho khán giả cảm xúc thăng hoa sau một ngày lao động nặng nhọc. Vài năm lại đây, khi phong trào xây dựng sân cỏ nhân tạo lan rộng khắp làng trên, ngõ dưới, phong trào bóng đá ở các vùng quê Hà Tĩnh dường như phát triển “chuyên nghiệp” hơn với các FC thôn giã có lịch thi đấu, trang phục, trọng tài phục vụ bài bản. Khi đến sân thi đấu, tập luyện, các đội bóng có dịp giao lưu, cọ xát. Đồng thời, giúp thanh niên, học sinh tăng cường sức khỏe, hạn chế sa đà vào các thú vui không lành mạnh.

Xuất phát từ niềm đam mê ấy, qua các thời kỳ khác nhau, tỉnh Hà Tĩnh đã sản sinh ra nhiều cầu thủ nổi danh các thời kỳ như: Lê Văn Lưu, Phi Hùng, Ánh Cường, Phi Sơn, Đinh Thanh Trung, Bùi Tiến Dũng… và họ cũng có những đóng góp đáng kể cho đội tuyển quốc gia cùng Sông Lam và nhiều CLB khác .

Còn nhớ, vào đầu năm 2010, khi Tập đoàn Xuân Thành của ông “bầu” Nguyễn Đức Thụy quyết định đầu tư vào bóng đá Hà Tĩnh, người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà như được sống lại cảm xúc ngọt ngào thời Ánh Cường và các đồng đội U16, U18 giành chức vô địch Giải bóng đá U16 và U18 quốc gia năm 1999 và 2001.

Thế rồi, vì những nguyên do khác nhau, trong đó sự thiếu trách nhiệm của những người làm bóng đá khiến cho mối lương duyên giữa bầu Thụy và bóng đá Hà Tĩnh cũng nhanh chóng kết thúc sau những tuyên bố hào hùng, hoành tráng của các ông “bầu”. Sau khi tập đoàn Xuân Thành chấm dứt đầu tư vào Hà Tĩnh, bóng đá tỉnh nhà không còn nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy vậy, ngọn lửa đam mê môn thể thao vua vẫn âm ỉ cháy trong tâm thức của người dân Hà Tĩnh và thi thoảng lại được thổi lên với sự xuất hiện của các đội trẻ tại một vài giải đấu cấp quốc gia.

Ngổn ngang trước mùa giải mới

Đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiền thân là CLB Hà Nội B – đội bóng sân sau của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển tại giải Hạng nhất. Đầu năm 2019, Hà Tĩnh đàm phán với Công ty cổ phần thể thao T&T chuyển giao Hà Nội B về mảnh đất miền trung, với cái tên gọi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Mọi việc xảy ra chóng vánh đến mức Hà Tĩnh cũng không kịp tu bổ sân, giai đoạn đầu đội phải mượn sân Vinh để thi đấu lượt đi mùa giải đầu tiên tại sân chơi hạng nhất.

Và không quá bất ngờ, chỉ sau một năm xuất hiện trên hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp của nước nhà, CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bao gồm nhiều tuyển thủ trẻ quốc gia đã tập luyện và thi đấu nhiều năm với nhau, lại được chu cấp hậu hĩnh, các học trò của HLV Phạm Minh Đức đã chiếm ưu thế phần lớn các trận đấu của mùa giải và sớm giành ngôi vô địch Giải hạng nhất quốc gia, giành quyền thăng hạng V.League mùa giải 2020.

Theo chia sẻ của đa phần người hâm mộ bóng đá Hà Tĩnh, mỗi địa phương có một cách làm bóng đá riêng, nhưng khi đã khoác lên mình tên gọi Hà Tĩnh thì CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã là đội bóng của người dân Hà Tĩnh. “Các cầu thủ dù sinh ra từ đâu, đến từ nơi nào, nhưng khi ra họ thi đấu với một quyết tâm cao nhất màu cờ, sắc áo, với chúng tôi họ là đội bóng của quê hương, chúng tôi sẽ cổ vũ hết mình”. CĐV Phan Khởi ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nói.

Trái ngược với sự vô tư, trong sáng đó, không ít cổ động viên Hà Tĩnh cũng suy tư, lo lắng về bản sắc của CLB bóng đá tỉnh nhà, với họ CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phải là đội bóng mà phần lớn các cầu thủ là người Hà Tĩnh luôn thi đấu tận tâm, tận lực bởi trên khán đài luôn hiện hữu bóng dáng của gia đình, họ hàng và làng xóm.

Trở lại với sự chuẩn bị của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại mùa giải mới, theo lịch thi đấu, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ tiếp đón Viettel trên sân nhà trong trận mở màn V.League 2020 vào ngày 22-2. Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, bước vào mùa giải mới, đội bóng đối diện với rất nhiều khó khăn, từ nhân lực đến cơ sở vật chất phục vụ thi đấu.

Về nhân sự, sau khi kết thúc Giải hạng nhất quốc gia 2019, tám cầu thủ được mượn từ CLB Hà Nội đã được trả về cho đội chủ quản, điều đáng tiếc, đây chính là những cầu thủ trụ cột, ra sân thi đấu thường xuyên của đội bóng trong mùa giải qua. Sự ra đi của Lê Xuân Tú, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân… sẽ không dễ để tìm người thay thế. Được biết, do chưa xây dựng được chiến lược phát triển rõ ràng nên một số cầu thủ người Hà Tĩnh đã thành danh, đang thi đấu ở V.League không mặn mà với việc quay về đầu quân cho đội bóng quê hương.

Hiện tại, với nòng cốt 14 cầu thủ được CLB Hà Nội chuyển giao hẳn, đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh được bổ sung năm cầu thủ từ các đội chuyên nghiệp và Hạng nhất. Cùng với đó, đội bóng đã ký hợp đồng với hai cầu thủ ngoại binh người Brazil. Theo HLV Phạm Minh Đức, thời gian tới, đội bóng sẽ tìm kiếm, ký hợp đồng với một vài ngoại binh chất lượng, tiếp sức cùng với Phạm Tuấn Hải, Trần Đức Nam, Phan Văn Long… để hoàn thành mục tiêu trụ hạng V.League mùa giải đầu tiên.

Bên cạnh những khó khăn về chất lượng cầu thủ được dự báo trước, với đặc thù của một tân binh V.League, lại mới tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp trong thời gian ngắn, CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và các tiêu chí mà Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đề ra đối với các đội bóng tham dự V.League 2020.

Cụ thể, theo đánh giá của VPF, hiện trạng sân vận động Hà Tĩnh chưa đủ điều kiện để tổ chức thi đấu các trận thuộc khuôn khổ V.League 2020. Vì vậy, VPF đề nghị CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, các cấp, ngành liên quan sớm triển khai, nâng cấp các hạng mục tại sân vận động Hà Tĩnh, bảo đảm các điều kiện theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp như: lắp đặt hệ thống giàn đèn chiếu sáng tối thiểu 900 lux; cải tạo lại mặt sân, lắp đặt hệ thống ghi hình, âm thanh; trang bị đầy đủ các phòng chức năng… Đến hết tháng 1, nếu hệ thống cơ sở vật chất của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh không được cải thiện, rất có thể họ sẽ phải mượn sân để tham dự V.League 2020.

Được biết, ngoài những khó khăn trên, đến thời điểm này, hệ thống đào tạo trẻ của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới chỉ có lứa U11 và U13, đội bóng vẫn đang thiếu sân tập phụ cùng khu nhà ở cho các vận động viên… Do vậy, các cổ động viên cứ canh cánh nỗi lo, bóng đá chuyên nghiệp đến với Hà Tĩnh nhanh và đi qua cũng… nhanh.

Sau hơn một năm ghi tên mình vào sân chơi bóng đá chuyên nghiệp nước nhà, cách lựa chọn “đi tắt, đón đầu” của tỉnh Hà Tĩnh đã mang đến những cảm xúc bất ngờ cho người hâm mộ, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn trong vấn đề quản lý, đào tạo. Điều đó cho thấy, dường như Hà Tĩnh vẫn chưa đủ nguồn lực để làm bóng đá chuyên nghiệp mà cụ thể nhất là CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chưa chủ động được nguồn tài chính để đầu tư thực hiện những chiến lược phát triển.

Người dân Hà Tĩnh vốn lam lũ nhưng nghĩa tình và giàu khát vọng vươn lên. Hy vọng CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ vượt qua được những khó khăn bước đầu và có vị thế xứng đáng trong bản đồ bóng đá nước nhà như Nghị quyết phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030 vừa được HĐND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra.

BÀI, ẢNH: NGÔ TUẤN

Gửi phản hồi cho cỏ nhân tạo Nguyễn Gia

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐĂNG KÝ THÔNG TIN ! Thông tin của bạn đã được hệ thống ghi nhận. Chúng tôi sẽ liên lạc với bạn trong thời gian sớm nhất để xác nhận thông tin và tư vấn dịch vụ.
Nhận báo giá
Tư vấn
Hãy gửi câu hỏi của bạn để nhân viên tư vấn giải đáp nhé!
gửi câu hỏi