“Tình hình dịch bệnh liệu đã ổn chưa anh ơi? Bọn tôi nhớ sân cỏ quá!”. Những ngày qua người viết liên tục những được những tin nhắn có nội dung như vậy từ giới cầu thủ, do đợt nghỉ dài bất đắc dĩ vì dịch bệnh Covid-19 khiến họ đang rất nhớ bóng đá. […]
“Tình hình dịch bệnh liệu đã ổn chưa anh ơi? Bọn tôi nhớ sân cỏ quá!”. Những ngày qua người viết liên tục những được những tin nhắn có nội dung như vậy từ giới cầu thủ, do đợt nghỉ dài bất đắc dĩ vì dịch bệnh Covid-19 khiến họ đang rất nhớ bóng đá.
Nếu các CLB có đại bản doanh cùng sân tập riêng biệt nên vẫn có thể tập luyện trên sân cỏ nhân tạo (như CLB SLNA, Viettel…) và chia nhỏ theo nhóm trong thời điểm cách ly toàn xã hội vì dịch bệnh, ngược lại những đội bóng buộc phải “xả trại” trong suốt 15 ngày qua đang có nhiều vấn đề phải suy tư.
Ngoài nỗi lo về chuyên môn vì việc không tập luyện trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến phong độ và thể lực của các cầu thủ là đương nhiên, nhiều đội bóng dù nghỉ dài hạn, nhưng các cầu thủ vẫn phải tập trung tại chỗ cũng ảnh hưởng không ít đến tinh thần của họ. Nói đâu xa, HL Hà Tĩnh dù đang nghỉ tập, nhưng tất cả cầu thủ của đội hiện vẫn phải tập trung ở đại bản doanh tại thành phố Hà Tĩnh như biện pháp “cách ly tại chỗ” để nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.
Thủ quân Lê Tấn Tài của HL Hà Tĩnh chia sẻ: “Dù không tập luyện, nhưng anh em chúng tôi vẫn không thể về nhà. Các em độc thân còn đỡ, chứ những người có gia đình như tôi rất khó xử, vì rảnh rỗi nhưng không thể về thăm vợ con. Thời gian qua, sau các buổi tập duy trì hàng ngày, anh em chỉ biết đi ra đi vào nên tinh thần khá bức bối. Chẳng biết tình trạng này còn kéo dài bao lâu?”.
Không chỉ HL Hà Tĩnh, các CLB như Sài Gòn FC, Nam Định cũng trong tình trạng tương tự. Đóng quân ở khách sạn T67 ở TP.HCM, những ngày qua các cầu thủ của Sài Gòn FC vẫn đang tự cách ly tại chỗ. Mỗi ngày, ngoài việc tự tập thể lực trong phòng, các cầu thủ lại lấy bóng xuống quần thảo ở khoảng sân nhỏ vài mét vuông trong khuôn viên khách sạn, vì như tiền vệ Trần Vũ chia sẻ: “Nghỉ tập lâu quá nên anh em đều rất nhớ sân cỏ. Không thể ra sân tập, nên chiều nào chúng tôi cũng mang bóng xuống sảnh khách sạn đá ma cho đỡ nhớ cảm giác thi đấu”…
Hiện tại lo lắng nhất có lẽ là các thành viên của 2 CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh. Nói vậy là bởi vì cả 2 đội bóng này đã nghỉ từ sau vòng đấu thứ 2 của V.League 2020 đến nay, tức đã tròn 1 tháng. Vậy nên có thể hiểu cảm giác của Công Phượng và các đồng đội của anh trong những ngày qua khi đang rơi vào cảm giác “đói” bóng đá.
“Cả tháng nay bọn tôi chỉ ở nhà hoặc ở khách sạn nơi đội đóng quân chứ rất hiếm khi ra đường, nên cảm giác rất bức bối và tù túng. Ngoài việc tập nhẹ duy trì, mỗi ngày tôi hết ăn rồi lại xem phim nên rất lo bản thân bị lên cân. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế để cuộc sống mọi người trở lại bình thường và để chúng tôi có thể tập luyện, thi đấu trở lại chứ nhớ bóng đá lắm rồi”, như chính tiền đạo Nguyễn Công Phượng của TP.HCM chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên giới bóng đá Việt Nam có một kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ như thế, khiến tất cả đang bị động bởi chưa biết lúc nào các giải đấu mới có thể khởi tranh lại. Vì vậy, ngoài việc tự tập luyện để duy trì thể lực, cảm giác nhớ sân cỏ đang hiện hữu rất rõ rệt nơi giới cầu thủ Việt, với câu hỏi thường trực “bao giờ mới có thể quay lại sân cỏ?”.
Bongdaplus – Đỗ Tuấn
CÁC TIN LIÊN QUAN