Vâng, có cho kẹo ngành thể thao cũng không dám đứng ra tổ chức một trận tỉ thí như thế. Nhưng, nếu ta gọi đó là một cuộc giao lưu võ học thì sao? Quyền biến một tẹo về cái tên gọi thì có mất mát gì đâu. Và trên thực tế, đã có chuyện na ná như thế đấy…
Ngày xửa ngày xưa (nói thế thôi chứ cũng chỉ khoảng 20 năm trước mà thôi), ở Sài Gòn này có một ông tên gọi là Trần Thanh Ngữ, mà dân làng thể thao gọi là ông Tư Ngữ – Trưởng phòng TDTT quận 1. Ông Tư nổi tiếng là một người có rất nhiều ý tưởng độc đáo. Bóng đá nữ được như hiện tại là nhờ ông Tư. Aerobic, thể dục thể hình… được như bữa nay cũng là nhờ ông Tư.
Thời đó, dân Sài Gòn ham thích môn đá gà lắm. Nó vừa thỏa cái máu ưa xem (xem thôi nha) đánh nhau, vừa kèm theo món cá độ khoái khẩu. Nhưng đá gà là món cấm kỵ, công an bắt dữ lắm.
Vậy mà, ông Tư Ngữ làm hẳn một văn bản đóng dấu đỏ chót, gởi lên cấp trên xin tổ chức “đá gà thể thao”! Địa điểm tổ chức là sân Kỵ Mã trên đường Nguyễn Du (bây giờ là Trung tâm TDTT quận 1, nơi có cái nhà thi đấu hay tổ chức hội chợ, cùng một rạp chiếu phim và sân bóng đá cỏ nhân tạo).
Nhận được văn bản của ông Tư, sếp đùng đùng nổi giận, cho triệu tập ông khẩn cấp. Vừa gặp mặt, sếp đã quát: “Anh nghỉ sao mà xin tổ chức đá gà? Đây là cờ bạc trá hình, công an bắt hà rầm mà anh xin tổ chức là sao?”.
Ông Tư cười sảng khoái trả lời: “Tui xin tổ chức đá gà thể thao mà”.
Sếp trố mắt hỏi: “Đá gà thể thao là sao?”.
Ông Tư thủng thẳng trả lời: “Hai thằng đàn ông đánh lộn với nhau ngoài đường là bị công an bắt liền vì tội quấy rối trật tự trị an. Nhưng hai thằng đàn ông đeo găng tay, lên võ đài đánh nhau thì đó là thể thao. Bởi vì vậy, tui cho bịt cựa gà hết rồi mới cho nó đá nhau, đó là đá gà thể thao!”.
Nói nhùng nhăng vậy, ông Tư đã thuyết phục được sếp. Thế là đá gà thể thao ra đời! Có điều, thiên hạ bu vô cá độ dữ quá, nên đá gà thể thao chỉ tồn tại được có non một tháng.
Đấy, nếu là tôi, thì trận tỉ thí của Cung Lê với Flores sẽ là “giao lưu võ học”. Mời đại diện hai bên cùng ngồi lại để thỏa thuận điều lệ thi đấu. Thống nhất rồi thì a lê hấp, thượng đài thôi. Đảm bảo vé vào cửa sẽ đắt như tôm tươi. Kèm theo đó sẽ cho phát hành bán vé “xổ số thể thao” (địa phương nào cũng có vé số chiều xổ rồi thì cớ gì lại không cho xổ số thể thao?).
Sau cuộc giao lưu võ học giữa Cung Lê đại diện cho MMA và Flores đại diện cho Vịnh Xuân Nam Anh, tôi sẽ duy trì tiếp cái võ đài giao lưu võ học để phục vụ cho nhu cầu thi thố giữa hàng ngàn môn phái võ thuật ở Việt Nam. Tôi tin chắc nó sẽ là một núi tiền đem về cho ngành thể thao, giảm đáng kể cái quá trình cứ phải ngóng cổ chờ ngân sách, trong lúc ngân sách thì ngày càng khó khăn.
Xin các quan ngành thể thao đừng nghĩ đây là một bài viết tếu táo. Mà hãy nghĩ nghiêm túc về nó. Hãy nghĩ thật Thông thoáng, sao để thoát khỏi cái vòng kim cô “bảo thủ”, khi ấy mới phát triển được.
CÁC TIN LIÊN QUAN